Sinh nhật Bác Hồ 19/5 – Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác
Sinh nhật Bác Hồ rơi vào ngày thứ mấy của năm 2024?
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2-9-1969 tại Hà Nội. Bác đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc Việt Nam. Tuy Bác đã đi xa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người vẫn còn mãi với non sông đất nước và trong trái tim nhân loại.
Vậy sinh nhật Bác Hồ vào thứ mấy của năm 2024? Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm này sẽ rơi vào chủ nhật ngày 19/5. Cứ vào dịp tháng 5, toàn thể nhân dân Việt Nam sẽ nô nức tổ chức kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác để tưởng nhớ công ơn và những việc làm trong sáng của Người. Hơn nữa, đây cũng là dịp chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
>>> Xem thêm: Olympic 2024: Khám phá Thế Vận hội Mùa hè tại “Kinh đô ánh sáng”
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác
Vào tháng 5 lịch sử, để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ CHí Minh, cả nước ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác Hồ – vị Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Người cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng, dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho những cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cả nước ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy truyền thống cách mạng đoàn kết, kiên cường, năng động, sáng tạo, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời cũng phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo nhằm góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
>>> Xem thêm: Thế Vận hội Mùa hè 2024: Nơi ánh sáng Olympic chiếu sáng Paris
Ý nghĩa sinh nhật Bác Hồ
Trong lòng người dân Việt Nam, những ngày 30/4, 1/5, 2/9 và 19/5 đã trở thành những dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Trong đó, ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 được con cháu tưởng nhớ và tri ân, vì đó là ngày sinh của một vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước – Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng của dân tộc, người cha thân thương và đáng tôn kính của toàn dân.
Ngày sinh nhật của Bác Hồ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc ta. Sự ra đời của Bác đã khởi đầu cho một cuộc cách mạng lớn của dân tộc Việt Nam. Từ khi còn rất trẻ, Bác đã bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, chịu đựng bao nhiêu khó khăn và gian khổ để tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ là dịp để con cháu Việt Nam tưởng nhớ công ơn của Người, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Dù ở bất kỳ thế hệ nào, người Việt vẫn luôn nhớ và trân trọng những công lao, sự hy sinh to lớn của Bác để đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi người.
>>> Xem thêm: Olympic 2024 tổ chức ở đâu? Lễ khai mạc Olympic diễn ra khi nào?
Những kỷ niệm đáng nhớ nhất về sinh nhật Bác Hồ
Đã gần đến ngày 19/5, hãy cùng Nguyễn Kim ôn lại những kỉ niệm đáng nhớ về sinh nhật Bác Hồ.
Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần đầu tiên
Ngày 19/5/1946, nhân dân Thủ đô Hà Nội vô cùng hạnh phúc khi được thay mặt đồng bào cả nước đến chúc mừng sinh nhật lần đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ sáng sớm, các đồng chí trong Thường vụ và Chính phủ đã đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cháu nhi đồng Tháng Tám, đầu đội mũ ca-lô lệch, súng gỗ vác trên vai tiến về phía Bắc Bộ phủ. Bác Hồ cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫy tay chào các cháu và Bác đề nghị mở cửa Bắc Bộ phủ cho các cháu vào.
Các em thiếu nhi đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo của Bác và tặng Bác những chữ “i”, “t” tượng trưng cho phong trào bình dân học vụ, các tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc. Quà của Bác Hồ dành cho các cháu là một cây bách tán với lời gửi gắm yêu thương “Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!”.
Các em vui mừng hát một bài cảm ơn Bác và khiêng chậu cây bách tán ra về. Lúc này, một đoàn hơn 50 anh, chị, em là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu cũng tới chúc mừng sinh nhật của Bác. Trong phái đoàn có chị Nguyễn Thị Định, người sau này trở thành một nữ tướng và người đại diện cho truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam. Trong hồi ký chị kể rằng, Bác đã xúc động nói “Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay nước ta đang có nhiều khó khăn”. Câu tiếp theo giọng Bác càng xúc động hơn “Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ”.
Cũng trong buổi sáng này, Bác tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật, trong đó có đại diện của Ban vận động Trung ương Đời sống mới, Tổng hội Công chức và Hội đồng Kiến thiết quốc gia. Còn Lực lượng Thanh niên Thủ đô thì tổ chức tuần hành mừng ngày sinh nhật Bác Hồ.
Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí, Bác nói “… Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc… Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.
>>> Xem thêm: Vòng loại EURO 2024 được tổ chức khi nào và ở đâu? Gồm bao nhiêu đội?
Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc
Sinh nhật năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với Bác Hồ. Trước đó vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) – người phục vụ nấu ăn cho Bác cũng là người đồng chí đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan và Trung Quốc, sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng vừa mới qua đời do sốt rét ác tính nên sinh nhật của Bác diễn ra lặng lẽ.
Sáng sớm ngày 19/5/1948, các đồng chí phục vụ đã mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác Hồ. Khi nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng của các đồng chí, Bác xúc động rơm rớm nước mắt “Bác cảm ơn các chú. Bác đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc”. Vậy là lễ mừng sinh nhật Bác Hồ năm ấy đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không đòi hỏi địa vị, không tính toán cá nhân.
Ngày 19/5/1949, các anh em cơ quan định tổ chức một bữa ăn “tươi” mừng sinh nhật Bác. Lúc này, Bác đang ở tại một bản đồng bào Mán, thuộc tỉnh Thái Nguyên, giáp Bắc Kạn. Anh em chưa kịp nói gì thì Bác đã chủ động thân mật bảo “Bác cảm ơn các chú, thôi để về Thủ đô tha hồ mà chúc”. Sau đó, Bác phân công việc cho các anh em, người làm nốt một số công việc ở cơ quan, người sang bên “vô tuyến điện” để lấy tin tức, còn người thì đi làm thêm dây câu cá để cải thiện,… Câu nói giản dị, thân tình của Bác sao mà đúng tâm tình của anh em đến thế, nên đã thúc đẩy mọi người hăng say công tác để kháng chiến mau chóng thắng lợi mà còn về Thủ đô chúc thọ Bác Hồ.
>>> Xem thêm: Bóng đá EURO tháng mấy khai mạc?
Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ khi đại thắng Điện Biên Phủ
Sau 9 năm gian lao kháng chiến, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, đỉnh cao nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ đầu tháng 5/1954. Đại chiến thắng diễn ra đúng dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu, là món quà vô giá và đặc biệt của quân và dân ta kính dâng lên Bác. Hòa cùng niềm vui chung của quân và dân ta, Bác viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong thư, Bác nhắc nhở không được chủ quan, khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để giành thắng lợi lớn hơn.
Cũng nhân dịp sinh nhật, Bác đã chiêu đãi các chiến sĩ tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáng 19/5/1954, đoàn chiến sĩ thi đua từ mặt trận Điện Biên Phủ về mừng sinh nhật Bác. Bác khen ngợi và hỏi han về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình của từng chiến sĩ. Bác xúc động khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của các chiến sĩ và động viên “Đất nước rồi sẽ độc lập, chắc chắn dân sẽ đủ ăn”. Sau đó, Bác căn dặn các chiến sĩ “Phải tranh thủ học tập thật nhiều nâng cao trình độ văn hoá. Có học mới phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Bác tự tay gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng De Castries.
Sau khi gắn huy hiệu xong, Bác đề nghị để đạo diễn Liên Xô Roman Karmen cùng chụp ảnh với các chiến sĩ. Người nói vui “Phải cười tươi lên đấy! Ai cười to, Bác cưới cho vợ đẹp”. Đến buổi tối, Bác mở tiệc chiêu đãi những chiến sĩ đã lập công trong chiến thắng Điện Biên Phủ và các bạn Liên Xô.
>>> Xem thêm: Linh vật EURO 2024 vừa được công bố tên gì? Nguồn gốc từ đâu?
Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ khi Người tròn 75 tuổi
Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/5/1965 là dịp hết sức đặc biệt – Bác Hồ tròn 75 tuổi. Dường như Bác đã dự liệu trước được quy luật khắc nghiệt mà cuộc đời bất kỳ con người nào cũng phải trải qua nên Bác bắt đầu viết “Di chúc” để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Vào lúc 9h sáng ngày 10/5/1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Bác đặt bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Những ngày tiếp theo của tháng 5/1965, Bác viết, sửa chữa và bổ sung tài liệu “Tuyệt đối bí mật” ở phòng làm việc Nhà sàn.
Tại ngôi nhà sàn lộng gió thời đại, Bác ung dung, thư thái viết ra những điều Bác đã suy nghĩ, đúc kết những tư tưởng lớn lao, suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và dựng xây lại cho đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Do đó, di chúc của Bác đã trở thành tài sản tinh thần vô giá mà Bác trao cho thế hệ chúng ta hôm nay cũng như các thế hệ mai sau.
>>> Xem thêm: Bảng đấu EURO 2024: Kết quả chia bảng vào vòng chung kết EURO
Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần cuối cùng
Sang năm 1969, sức khoẻ của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi “công tác xa” như những năm trước đó. Vào ngày 10/5/1969, Bác đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản Tin tham khảo đặc biệt (Việt Nam Thông tấn xã phát hành) số ra thứ 7 ngày 3/5/1969. Bản viết này Bác viết bằng bút mực Cửu Long xanh đen, những chữ sửa lại, viết thêm thì Bác dùng bút mực đỏ, còn những chỗ gạch chân, chữ số thì Bác dùng bút bi đỏ.
Chiều ngày 11/5/1969, Bác đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Cả hội trường vang dậy những tràng vỗ tay vui mừng khi được đón Bác. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt các cán bộ và chiến sĩ toàn quân mang hoa đến chúc thọ Bác và xúc động bày tỏ “Thưa Bác! Nhân dịp mừng thọ Bác 79 tuổi, chúng cháu xin thay mặt cán bộ chiến sĩ toàn quân, kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu. Toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác”. Khi đồng chí Vương Thừa Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại đồng chí.
Ngày 18/5/1969, các cán bộ trong cơ quan Phủ Chủ tịch tổ chức mừng thọ Bác. Mọi người phấn khởi thưa với Bác về những chiến công mà quân và dân miền Nam đã giành được và đồng chí Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác đứng dậy xúc động nói “Thưa Bác, nguyện vọng tha thiết của anh em là cố gắng mọi mặt mong Bác ăn được ngon, ngủ được tốt. Kính chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi”.
Ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản nhất. Bác bình tĩnh chuẩn bị ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn muốn có thêm thời gian và sức khỏe để ở lại với đồng bào, đồng chí, vì sự nghiệp cách mạng chưa trọn vẹn, miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất. Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những ngày làm việc của Người và tất cả mọi người đều không ai nghĩ rằng đó là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác lần cuối cùng.
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác Hồ là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới vị cha già kính yêu của dân tộc. Đồng thời, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam báo công với Bác về những thành tích cả nước đạt được và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm để tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn. Hy vọng, bài viết này của Nguyễn Kim đem lại cho bạn những thông tin hữu ích về lịch sử và ý nghĩa ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
>>> Xem thêm: Tivi màn hình rộng thích hợp cho mùa EURO này
Nếu bạn muốn được tư vấn thêm về những dòng [TÊN SẢN PHẨM] hiện đang có tại Nguyễn Kim, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua những kênh sau đây để được hỗ trợ nhanh nhất:
Hotline:1800 6800 (miễn phí)
Email:nkare@nguyenkim.com
Chat:FacebookNguyenKim (nguyenkim.com) hoặc Website Nguyenkim.com
Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim trên toàn quốc