Những ngày vừa qua, trên các nhóm mạng xã hội, người dùng mạng đua nhau bình luận về hiện tượng bị giật điện khi chạm vào người, thú cưng, chăn đệm, quần áo hay khi chải tóc, mở cửa ô tô… Những câu chuyện dở khóc dở cười khiến “tình cảm gia đình đi xuống”, phải đeo găng tay cả ngày… được nhiều người chia sẻ và quan tâm.

Trên một nhóm mạng đông thành viên, anh Đặng Văn Việt (SN 1987, Hà Nội) chia sẻ một số mẹo tránh bị điện giật do hiện tượng tĩnh điện vào mùa đông. Rất nhanh chóng, bài đăng của anh thu hút sự chú ý của nhiều người.

Anh Việt chia sẻ với VietNamNet: “Mùa đông, hầu như ai cũng từng giật mình thon thót vì những cái chạm nhẹ. Tôi thường hay gọi đùa đó là cái chạm của ‘tỉnh thức’. Lắm lúc đang ngủ say, quay ra ôm con thôi cũng nổ lách tách và đau nhói đầu ngón tay, tỉnh cả ngủ. Điều đó khiến các con sợ hãi. Các con thường hay đùa, yêu cầu tôi phải giữ khoảng cách an toàn, cách xa chúng 2m”.

Không chỉ khi chạm vào người con, những lúc chạm vào tay nắm cửa, cánh tủ lạnh, vòi nước… anh Việt cũng đều gặp hiện tượng tĩnh điện như vậy. Sau khi tìm tòi và thử nghiệm áp dụng, anh Việt rút ra được một số mẹo để đối phó với hiện tượng này.

Xem thêm  Bí mật chết người từ chiếc thớt nhựa

Điện giật khi mở cửa

Trước khi mở cửa, anh Việt lấy chìa khoá chạm vào tay nắm cửa rồi sau đó mới chạm trực tiếp tay vào để mở cửa. Hoặc anh chạm một tay vào tường rồi mới chạm vào cửa. Theo anh, động tác nhỏ này sẽ giúp “xả điện”, tránh bị giật khi mở cửa.

Tóc bị tĩnh điện

Mùa đông, tóc của vợ anh Việt hay bị khô, thỉnh thoảng có những sợi dựng đứng. Mỗi khi cởi bỏ khăn hoặc mũ đội đầu cũng nghe được tiếng lách tách. Để tránh hiện tượng tĩnh điện, anh thường lấy 1 mảnh khăn giấy ướt đặt lên lược rồi mới chải trực tiếp lên tóc. “Lượng nước trên khăn giấy ướt không quá nhiều nên không sợ làm bết tóc”, anh Việt nói thêm.

Điện giật khi mặc quần áo

Trước khi mặc áo khoác hoặc len, anh Việt thường lấy 1 cái móc treo quần áo bằng kim loại chà lên áo quần. “Sử dụng công cụ rà và hút điện đơn giản nhà nào cũng có sẵn này rất hiệu quả. Hành động này giúp trung hoà tĩnh điện, giải quyết được vấn đề tích điện, không bị tiếng tanh tách hay những cái giật nhẹ nảy mình nữa”, anh Việt cho biết.

Giật điện khi chạm vào đồ dùng kim loại

“Một số người khi chạm vào tủ lạnh, vòi nước… cũng bị giật tanh tách. Để khắc phục hiện tượng này, chúng ta có thể chuẩn bị 1 cục pin khô và cầm theo bên người. Việc này giúp người mình không bị tĩnh điện, khi chạm vào nhiều kim loại khác nhau không bị giật”.

Xem thêm  Những nàng chân ngắn diện ankle boots thế nào cho thật chuẩn?

Quần áo tĩnh điện bám dính vào người

“Mùa đông, mọi người thường thấy quần áo cứ bám rịt vào người do hiện tượng hấp thụ tĩnh điện. Chúng ta lấy kem dưỡng da tay cho vào bình xịt, pha thêm chút nước ấm sau đó lắc đều, xịt trực tiếp vào mặt trong của quần áo, hoặc xịt trực tiếp đều lên da là được”, anh Việt cho biết.

Những mẹo đơn giản tránh bị giật tĩnh điện mùa đông của anh Việt được cộng đồng mạng tán đồng. Nhiều người cho biết cũng từng áp dụng cách như của anh Việt và thành công, không còn lo giật mình thon thót mỗi khi mùa đông về. 

Ảnh: NVCC

Mẹo làm ấm giường ngủ bằng vật dụng quen thuộc trong nhà chỉ với vài phútChỉ mất vài phút, bạn có thể làm ấm giường ngủ của mình một cách an toàn vào mùa đông, giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn.